• VIỆN SINH THÁI NHÂN VĂN & P.TRIỂN BỀN VỮNG
  • Nguyễn Khoái - Hoàng Mai - Hà Nội




QUY TRÌNH KĨ THUẬT TRỒNG NA


                                  CẨM NANG KĨ THUẬT TRỒNG CÂY NA 

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Na thái là loại cây có tính thích ứng cao, dễ trồng và được người dân ưa trồng. Na thái có vị ngọt, vị chua, thơm mùi hoa hồng.

Na Thái có 2 loại: Dai và bở

+ Na bở khi chín múi nọ rời múi kia, dễ vỡ. Hoặc trái chưa chín hẳn nhưng có thể đã nứt khi còn trên cây.

+ Na Dai thì các múi dính chặt vào nhau cả khi chín, dễ vận chuyển vì dù có chạm mạnh trái không bị vỡ ra, vỏ mỏng, có thể bóc ra từng mảng như vỏ quít. Độ ngọt của Na dai cao hơn Na bở.II. Kĩ thuật trồng na Thái

1. Làm đất

a. Yêu cầu đất trồng na Thái

Na Thái  không kén đất, chịu hạn tốt, không thích đất úng, ưa đất thoáng. Tuy chịu được đất cát xấu nhưng chỉ phát huy được ưu điểm nếu đất nhiều màu và không bón phân thì chóng già cỗi, nhiều hạt, ít thịt (cơm).

Phải chăm sóc cây từ khi trồng để cây khoẻ, nhiều nhựa (sức sống tốt) thì mới cho trái ngon. Đất cát sỏi, đất thịt nặng, đất có vỏ sò hến, đất đá vôi đều trồng được .

Đất trồng na thái tốt nhất là đất có tầng đất dày, đất rừng mới khai phá, đất đồi ven sông suối, đất chân núi đá vôi hoặc lẫn đá vôi thoát nước nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, độ pH 5,5 - 7,4. Chọn đất đồi dốc nhỏ hơn 150. Đất chua cần bón 30kg vôi bột/năm/ 360m2.

b. Dọn đất

- Đối với những vùng đất có các loại cây bụi lớn có hệ rễ ăn sâu dùng máy ủi sạch.

- Đối với cây bụi nhỏ và cỏ dại có thể dùng dụng cụ thủ công để chặt bỏ

- Sau khi đã khai hoang tiến hành giải phóng mặt bằng, đánh sạch gốc, rà sạch rễ, lượm sạch cây thu gọn sạch đưa ra ngoài hoặc đốt tại lô

c. Làm đất

* Mục đích của việc làm đất:

 - Cải thiện tính chất lý, hoá học của đất.
 - Làm tăng tính thấm nước, tính nước, giữ dinh dưỡng của đất.

 - Làm đất còn góp phần cải thiện chế độ nước, chế độ không khí, làm tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật trong đất.

- Làm đất còn có tác dụng diệt trừ cỏ dại và mầm mống sâu bệnh hại trong đất.

* Yêu cầu kỹ thuật làm đất

- Làm đất đúng thời vụ, làm sớm trước khi trồng 1-2 tháng

- Làm đất kỹ, dọn sạch cỏ dại. Dọn sạch các loại gốc cây.

- Làm đúng độ sâu. Nếu làm đất bằng máy cày sâu 30- 35cm.

2. Thiết kế lô, hàng cây trong vườn trồng cây na

a. Thiết kế lô trồng

 + Diện tích lô trồng cây  phụ thuộc vào địa hình và quy mô chung của vườn cây .

 + Diện tích tối đa cho một lô trên diện tích bằng phẳng là 2 - 4ha.

 + Vùng đất dốc là 1 - 2ha. Vùng đất trũng chua phèn là 0,5 – 1ha.

b. Thiết kế hàng cây

- Cách bố trí cây trong vườn

+ Bố trí cây theo kiểu hàng đơn ô vuông

+ Bố trí cây theo kiểu hàng đơn chữ nhật

+ Bố trí cây theo kiểu hàng đơn nanh sấu

+ Bố trí cây theo kiểu hàng kép

* Tuỳ theo địa hình đất mà áp dụng phương thức trồng thích hợp.

+ Đối với đất bằng hoặc có độ dốc dưới 50 : Có nhiều cách bố trí cây: Kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác (kiểu nanh sấu).

+ Đất có độ dốc từ 5 - 8 độ : Nên trồng kiểu hàng đơn theo đường đồng mức.

+ Đất có độ dốc từ 8 – 10 độ : Trồng cây theo hàng đơn theo kiểu nanh sấu được thiết kế theo đường đồng mức.

+ Độ dốc trên 10 độ : Thiết kế trồng hàng đơn trên bậc thang kiên cố kết hợp hàng cây phân xanh chống sói mòn.

c. Mật độ

- Mật độ trồng: Hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3-4 m đảm bảo mật độ 550-600 cây/ha. Trồng bầu khi cây đạt chiều cao 30-40 cm.

- Đào hố: Kích thước (dài rộng sâu – 40cm x 40cm x 40cm hoặc 60cm x 60cm x 60cm) đào so le các hố. Khi đào hố lưu ý phần đất mặt để sang một bên, phần đất gần đấy hố để sang một bên.

- Đối với phần đất mặt được trộn hỗn hợp với tất cả các loại phân dùng để bón lót sau đó cho xuống đáy hố, phần đất còn lại để trên mặt hố tạo vồng và tiến hành phơi hố 1 tháng trước khi trồng.

3. Chọn giống

- Với cây ghép: Sau khi ghép khoảng 5-6 tháng, cây con cao khoảng 60-100 cm là có thể đem trồng. Không nên để quá lâu trong vườn ươm, cây già tuổi quá, tỷ lệ sống không cao. Khi cây giống đạt tiêu chuẩn ta tiến hành phân lô để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc và chuyển giao cây giống cho sản xuất.

- Cây có chiều cao 40-50cm, đường kính gốc khoảng 0,6-1,0cm, phần cành ghép cao khoảng 20- 25cm, cây không bị sâu bệnh, bộ lá xanh tốt, không bị gẫy, không bị hiện tượng chân voi hoặc chân hương. Bầu không bị dập vỡ.

- Nếu trồng bằng cây gieo hạt: Yêu cầu đường kính gốc cây từ 0,6- 1,0cm, cây cao 30-40cm. Nếu là cây gieo ngoài luống đất thì tránh lúc cây ra lộc non và nên hồ rễ trước khi đem trồng.

+ Cách xử lý cây rễ trần: Tưới đẫm nước cho vườn ươm, dùng thuổng hoặc mai nhẹ nhàng đẩy cây lên khỏi mặt đất, nhẹ nhàng rũ đất để cây ít bị đứt rễ, dùng kéo cắt bớt lá, rễ, sau đó nhúng rễ cây vào hỗn hợp bùn loãng với phân chuồng hoai, bó thành bó, quấn rễ bằng bao tải để giữ ẩm rồi nhanh chóng vận chuyển đến nơi trồng

4. Thời vụ

 Vụ Xuân trồng từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch

 Vụ Thu trồng từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch

5. Cách trồng

- Cuốc hố nhỏ ở chính giữa hố trồng. Hố có kích thước vừa bằng bầu cây (đối với hình thức chiết và ghép), hoặc bằng chiều dài của bộ rễ cây (đối với hình thức trồng bằng rễ trần).

- Nếu trồng bằng hình thức ghép hoặc chiết cành, cần phải xé vỏ bầu trước khi đặt vào hố trồng. Kỹ thuật xé bỏ vỏ bầu:

+ Đặt bầu cây đứng thẳng trên mặt đất.

+ Dùng ngón tay cái và tay trỏ của hai bàn tay cầm tại hai vị trí sát nhau trên cùng một cạnh của mép bầu.

+ Nhẹ nhàng xé rách túi bầu từ trên xuống đến đáy bầu.

- Đặt cây giữa hố ngắm thẳng hàng, các cây trên hàng trồng cùng 1 lần

- Độ sâu lấp đất chỉ qua cổ rễ 2 - 5 cm hoặc ngang bằng với cây đã trồng ở vườn ươm.

- Ấn chặt xung quanh bầu cây.

- Tưới đẫm nước, tủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô cách gốc 10 cm.

6. Chống đổ

a. Mục đích

+ Gió bão (đây là nguyên nhân phổ biến nhất).

+ Gia súc, gia cầm phá hại. Đây là nguyên nhân mang tính cá biệt của địa phương.

+ Trong quá trình chăm sóc (tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…) có thể con người vô tình chạm phải làm long gốc cây.

 + Cây con mới trồng có đặc điểm là bộ rễ mới chưa mọc hoặc mới mọc, vẫn còn rất non yếu. Nếu gặp phải một trong các tác nhân gây hại trên có thể làm cho bộ rễ yếu ớt bị đứt, cây đổ, do đó dẫn tới cây sinh trưởng phát triển kém ở giai đoạn đầu, thậm chí gây chết cây hàng loạt.

b. Chuẩn bị

Để chống đổ cho cây, mỗi hố cần phải chuẩn bị lượng vật liệu như sau:

 - Cọc:

+ Số lượng: 01-03 cái. Nếu có đủ nguồn cung về cọc, có thể sử dụng 03 cọc để chống sẽ đảm bảo khả năng chống đổ tốt hơn.

+ Kích thước cọc: Chiều cao của cọc khoảng 40-60cm, đường kính cọc 2cm, cọc phải thẳng, cứng chắc.

+ Vật liệu làm cọc: Tùy ý (có thể bằng tre, gỗ hoặc các loại vật liệu khác).

- Dây buộc: Mỗi hố cần 01 dây buộc có chiều dài khoảng 30cm, dây phải dai, có thể là dây nilong hoặc dây cây rừng.

- Dụng cụ đóng cọc: Có thể dùng búa đinh, vồ hoặc các dụng cụ, vật liệu sẵn có khác.

c. Cách chống đổ

 - Nếu chống bằng 01 cọc cho mỗi hố:

+ Hướng của cọc phải ngược với hướng gió chính của vùng.

+ Độ sâu của cọc khoảng 10-15cm tùy thuộc vào độ cứng của đất.

+ Cọc tạo với thân chính của cây một góc 45o .

- Nếu chống bằng 03 cọc cho mỗi hố: Tương tự như cách cắm 01 cọc/hố nhưng hướng cắm cọc thì cắm sao cho 3 cọc tạo thành hình tứ diện.

7.  Tủ gốc

- Giữ ẩm cho gốc cây.

- Hạn chế cỏ dại mọc.

- Cung cấp mùn cho đất, giúp đất tơi xốp hơn.

Nguyên liệu tủ có thể là rơm, rác, cỏ khô hoặc các phế phụ phẩm của nông nghiệp sẵn có tại gia đình như cây bắp, cây đậu nành, cây lạc... Nếu có nhiều nguyên liệu tủ, có thể tủ toàn bộ diện tích đất trồng. Nếu không, chỉ tủ quanh gốc cây với đường kính khoảng 1m.

Cách tủ gốc: Tủ cách gốc cây 05-10 cm để sâu bệnh không tấn công gốc cây.

8. Kĩ thuật chăm sóc

8.1. Bón phân

a. Bón lót

Vào hố khoảng 15 – 20 kg phân chuồng đã ủ hoai mục +  0,5 kg lân + 0,2 kg kali

b. Bón thúc

Tùy thuộc vào tuổi cây, sản lượng quả thu hoạch của năm trước, độ phì của đất mà lượng phân bón khác nhau:

 * Thời kỳ kiến thiết cơ bản (1-3 tuổi)

 - 15-20 kg phân chuồng ủ hoai mục cùng với 0,2 - 0,4 kg phân lân nung chảy bón 1 lần/năm vào cuối mùa sinh trưởng (từ tháng 11 - 1); - 0,4-0,7kg urê và 0,2-0,3kg sunfat kali bón làm 3 lần vào các tháng 1-2;  tháng 4-5 và tháng 8-9

+ Lần 1: 30% phân đạm

+ Lần 2: 40% đạm + phân kali  

+ Lần 3: 30% đạm còn lại và toàn bộ phân chuồng.

 *Thời kỳ kinh doanh (từ 4 tuổi trở lên)

 - Với cây 4 năm tuổi: 15-20 kg phân chuồng đã ủ hoai mục + 0,6-0,8 kg đạm urê + 0,3-0,4 kg supe lân +0,2-0,3 kg kaliclorua + 0,2-0,3 kg vôi

- Với cây từ 5 - 8 tuổi: 20-25 kg phân chuồng ủ hoa mục + 1,0-1,5 kg đạm urê + 0,5-0,8 kg supe lân + 0,5-0,7 kg clorua kali + 0,3-0,4 kg vôi.

- Với cây trên 8 tuồi: 30-40 kg phân chuồng ủ hoai mục + 1,5-2,0 kg đạm ure + 0,7-1,0 kg lâ supe + 0,7-1,0 kg kaliclorua + 0,5-0,6 kg vôi bột.

Thời vụ bón:

Lần bón

Tháng

Mục đích

Lượng bón mỗi lần (% so với cả năm)

 

Hữu cơ

Vôi

Lân supe

Đạm ure

Kali

 

1

2-3

Đón lộc, hoa

0

0

0

50

30

 

2

6-7

Nuôi quả, cành

0

0

0

50

40

 

3

9-11

Bón phục hồi cây qua đông

100

100

100

 

30

 

Cách bón.  

 - Phân hữu cơ: Đào rãnh theo hình chiếu tán cây (1/2 phía trong tán, 1/2 phía ngoài tán), rộng 20-40, sâu 30-40cm, thả phân rồi lấp kín đất. Nếu trời nắng và đất khô thì phải tưới nước.

 - Phân vô cơ:

 + Với đất bằng phẳng: Cào sạch lớp phủ trên mặt, rải đều phân trên mặt đất quanh khu vực tán cây, cào lớp phủ lên sau đó tưới nước.

 + Với đất dốc: Cuốc hố theo điểm đại diện (3-5 điểm), trộn đều các loại phân bón, lấp đất

  Lưu ý: Phủ lên phân bón một lớp mỏng đất bột, rơm rác, tưới nước. Tránh phủ đất quá dày, sát gốc sẽ gây bệnh thối gốc

8.2. Tưới nước

a. Mục đích

- Tạo điều kiện cho rễ tiếp xúc với đất dễ dàng, rễ cây dễ bám vào đất, tăng tỷ lệ sống sót.

- Tưới nước nhằm mục đích làm cho lớp đất mặt ôm chặt lấy rễ và gốc cây, hạn chế long gốc cây.

b. Thời điểm

Sau khi trồng cây xong, dù đất ẩm hay đất khô vẫn cần phải tưới nước cho cây ngay. Trừ trường hợp sau khi trồng cây trời mưa, độ ẩm nước mưa đủ làm ẩm lớp đất mặt thì không cần phải tưới nước nữa.

c.Lượng nước tưới, số lần tưới

Lượng nước và số lần tưới tưới tùy thuộc vào độ ẩm đất, loại đất

Với đất khô, cần tưới lượng nước nhiều hơn đất ẩm và số lần tưới cũng nhiều hơn.

Đất có tỷ lệ cát cao cần tưới nhiều nước hơn đất có tỷ lệ sét cao và số lần tưới cũng nhiều hơn.

d. Dụng cụ tưới: Có thể tưới bằng thùng ôzoa  , tưới gáo hoặc bằng máy bơm.

e.  Cách tưới: Tưới đều xung quanh gốc để cho đất lún đều. Chú ý: không được xả nước quá mạnh vào gốc vì có thể làm xối đất ra khỏi gốc, long gốc cây.

8.3. Làm cỏ

a. Phòng trừ cỏ dại bằng phương pháp che tủ mặt đất

- Che tủ mặt đất là một biện pháp rất hữu hiệu trong việc phòng cỏ dại.

- Hiện nay, để che tủ mặt đất, bà con nông dân thường dùng phụ phẩm của cây của cây trồng xen sau khi đã thu hoạch như đậu nành, bắp, chuối.

- Cách che tủ: + Rải đều vật liệu che tủ lên toàn bộ khoảng cách giữa hai hàng. Nếu có nhiều nguyên liệu tủ thì có thể tủ cả phần khoảng cách giữa 2 cây.

+ Lưu ý, vật liệu che tủ phải được tủ cách gốc cây khoảng 10cm để tránh các loại sâu bệnh gây hại gốc cây.

b.Phòng trừ cỏ dại bằng biện pháp trồng xen

Một biện pháp rất hữu hiệu để giảm thiểu cỏ dại trên vườn  ở thời kỳ kiến thiết cơ bản là trồng xen. Trồng xen không những giúp tăng thêm thu nhập, tạo nguồn phân tại chỗ mà còn giúp giảm thiểu đáng kể cỏ dại trên vườn, đặc biệt là những vườn  thường xuyên ẩm. Đối tượng trồng xen: Cây họ đậu, bắp, đậu phộng.

c.Trừ cỏ bằng biện pháp cơ giới:

 - Tùy thuộc địa hình, mùa vụ, nhân lực mà có biện pháp làm cỏ cho phù hợp. Có thể làm cỏ trắng hoặc làm cỏ chọn. Nên sử dụng máy cắt cỏ mi ni để cắt cỏ trong vườn là cách làm tốt nhất hện nay.

9. Biện pháp thụ phấn bổ sung cho na

Sau khi tuốt lá, tỉa cành mầm xuất hiện vào cuối tháng 3, nụ hoa ra rải rác vào khoảng từ 10/4 trở đi, hoa nở tập trung từ 6/5 đến 10/6, là thời gian tiến hành thụ phấn bổ sung cho hoa cây na.

*Cách lấy phấn hoa:

+ Chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu cành các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn.

+ Chọn hái những hoa sắp nở: Cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt.

+ Thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều, từ 3 đến 6 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.

+ Cũng có thể hái hoa và lấy trực tiếp phấn hoa rồi thụ phấn ngay vào những hoa khác mà không cần ủ qua đêm. Tuy nhiên phương pháp này chỉ sử dụng khi hoa mới nở lác đác với số lượng ít do tốn thời gian hơn.

*Cách thụ phấn bổ sung:

 Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy cái giữa lòng hoa. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8 - 10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo.

Trong quá trình thụ phấn,  chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả sẽ cao, quả sẽ to và ít bị rụng quả sau này; 1 người làm thành thạo có thể thụ phấn cho 800 - 1.000 hoa/ngày. Khoảng 3 - 4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa na cũng chỉ thụ phấn 8 - 10 lần khi cây ra nhiều hoa nhất.

Chú ý: Trong thời gian thụ phấn bổ sung không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời để nuôi quả lớn.

10. Quy trình xử lý cây na ra quả trong thân

* Bước 1: Tạo mầm chồi trong thân

- Việc này được tiến hành sau khi thu hoạch cắt tỉa hết các cành, thu gọn tán cây na. Thời điểm đốn cành vào tháng 9 tháng 10 dương lịch hàng năm.

- Càng thu gọn tán cây na thì tỷ lệ bật mầm trong thân càng nhiều. Sau khi thu hoạch tán cây xong tiến hành thu dọn tàn dư vườn sạch và phun thuốc trừ mấm bệnh lên thân cây để giúp các mắt trên thân sạch bệnh, tạo điều kiện cho mắt bật chồi khỏe.

* Bước 2: Tỉa cành mầm chồi trong thân

- Thời gian tiến hành là trung tuần tháng 9 đến tháng 10 dương lịch. Thời tiết thu, không mưa, khi cây na bắt đầu vàng lá và rụng thì đây là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành tỉa hết cành tăm, cành sâu bệnh và bấm cành trong thân.

- Tất cả cành tăm, cành sâu bệnh, cành nhỏ được cắt tỉa hết tạo độ thông thoáng cho cây na. Những cành có sức sống thì để lại đểu xử lý ra quả trong thân. Lưu ý chia đều khoảng cách giữa các cành trong thân để khi xử lý ra quả, khoảng cách quả trong thân đều.

* Bước 3: Bấm cành vượt và các cành trong thân xử lý ra chồi mang hoa

- Thời điểm bấm cành trước tết 10 ngày hoặc tết âm lịch xong.

- Tiến hành bấm cành sát với thân càng ngắn càng tốt. Khoảng cách để lại sát cành tầm 1 cm.

- Trường hợp muốn rải vụ thì có thể tiến hành lựa chọn quả chính. Sau đó khi quả phát triển có kích thước bằng cái chén thì tiến hành bấm cành bên để tạo mầm chồi mới ra mang hoa xử lý thụ phấn để tạo quả vụ sau.

* Lưu ý:

- Việc tỉa hoa, thụ phấn, đậu quả cần thực hiện sao cho số lượng quả để lại phù hợp với sức sống của cây. Nếu để nhiều quả thì cây dễ bị suy kiệt, thậm chí vụ sau cây không cho ra hoa quả.

- Nếu số lượng quả đạt lớn cần tiến hành các biện pháp chăm sóc, bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây tương ứng, kịp thời giúp cây nuôi quả. Tránh tình trạng để cây mang quả nhiều mà cung cấp dinh dưỡng kém dẫn đến chột quả của các vụ sau

11. Thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm

Thu hoạch:

Dấu hiệu na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là na dai, vẫn dễ nát.

Bảo quản:

Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp.

Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen...). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định.

Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.

 

Nguồn tổng hợp

 

Ngày đăng: 27/2/2025


Đăng ký email nhận tin mới


VIỆN SINH THÁI NHÂN VĂN & P.TRIỂN BỀN VỮNG

Địa chỉ: Nguyễn Khoái - Hoàng Mai - Hà Nội

Email: HanoiOffice@hesdi.vn

Điện thoại: (084)436.448.504 - 0363974969 - 0836200275

Chứng nhận

Bản quyền © 2019 VIỆN SINH THÁI NHÂN VĂN & P.TRIỂN BỀN VỮNG

Hotline